Tại xã Đăk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam có một ngôi làng mang tên làng “8 không”: không tên gọi, không điện thắp sáng, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không đường đi, không hộ khẩu và không khai sinh.” Trong hoàn cảnh đó vẫn có những em nhỏ vượt khó tới trường và mang trong mình khát khao học tập, để thoát nghèo. Chúng tôi muốn kêu gọi chi phí xây dựng thư viện với mục đích tạo môi trường cho các em nhỏ có cơ hội tiếp xúc với nhiều đầu sách, mở rộng tri thức, dám ước mơ và tự lực vươn lên để có một tương lai tươi sáng hơn.
*Tham khảo cách ủng hộ cho dự án: Link
Lời mở đầu
Chúng tôi mong muốn có thể mang thư viện đến với ngôi làng nghèo khó này!
Chào các bạn, tôi là Trần Thị Hồng Vân, sinh viên đại học năm 4, người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Tokyo, Nhật Bản.
Vào năm 2021, tôi tình cờ biết đến làng 8 Không khi thực hiện dự án thiện nguyện bán sách gây quỹ tại Tokyo, mang tên VYSA CHARITY BOOK. Chúng tôi xin sách cũ từ mọi người trên toàn nước Nhật, rồi bán lại với giá tuỳ tâm. Toàn bộ doanh thu chúng tôi sẽ gửi về Việt Nam để hỗ trợ những trẻ em khó khăn. Trong lúc được giao nhiệm vụ đi tìm khu vực có các em nhỏ cần hỗ trợ để trao tặng quỹ, tôi đã có cơ duyên được một tổ chức thiện nguyện tại Việt Nam giới thiệu về ngôi làng khó khăn này.
Sau những thông tin thu được từ chuyến đi khảo sát thực tế đến làng, chúng tôi quyết định dùng toàn bộ doanh thu bán sách trong năm 2021, tổng cộng 451 579 yên, để hỗ trợ xây giếng nước sạch cho các em và người dân trong làng. Giếng nước đã bắt đầu được xây dựng vào ngày 16/10/2022.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc góp sức xây dựng hệ thống giếng nước sạch cùng nhóm, tôi cứ hằng trăn trở về những chia sẻ của thầy hiệu trưởng rằng các em nhỏ ở trường rất hiếu học và mê đọc sách. Đã từ lâu thầy muốn xây dựng cho các em một thư viên với nhiều thể loại sách khác nhau, nhưng vì không có điều kiện và kinh phí nên đến nay điều ấy vẫn chỉ là ước mơ.
Xuất phát từ một cô gái người Việt thấp bé, tự ti về khả năng của chính mình, nhưng nhờ có những cuốn sách mà tôi học được cách sống tự tin, tích cực, biết ước mơ, biết được hoài bão của chính mình là gì.
Nên tôi tin rằng sách sẽ là một phương tiện hữu ích có thể giúp các em nhỏ có một tương lai tươi sáng hơn. Chúng tôi muốn cùng thầy hiệu trưởng thực hiện hoá giấc mơ xây một thư viện với thật nhiều sách, để nuôi dưỡng sự tò mò và óc sáng tạo của các em, cung cấp cho các em thật nhiều kiến thức bổ ích, giúp các em bắt đầu biết ước mơ, biết thêm được nhiều sự lựa chọn tốt hơn cho tương lai mai sau của mình, thay vì cứ lẩn quẩn trong vòng tuần hoàn lớn lên sẽ đi làm nương rẫy, thiếu cái ăn cái mặc như hiện tại.
Để làm được điều này, chúng tôi rất cần sự chung tay góp sức từ mọi người.
Các bạn có thể cùng chúng tôi, biến ước mơ mang thư viện chứa thật nhiều sách đến với các em nhỏ ở ngôi làng này thành hiện thực được chứ?
Giới thiệu về địa điểm xây dựng:
Thư viện sẽ được xây dựng tại điểm trường tiểu học Cụm 8※ của trường tiểu học chính La văn Cầu, tại làng 8 Không, thuộc xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, miền Trung, Việt Nam. Có cộng đồng dân cư gồm dân tộc Kinh - dân tộc chính của Việt Nam, và hơn 40 dân tộc khác cùng sinh sống).
※ Từ làng 8 Không đến điểm trường tiểu học chính La Văn Cầu rất xa, nên người ta xây điểm trường tiểu học Cụm 8 tại đây để các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 2 có thể đi học. Từ lớp 3 trở lên, các em sẽ đến điểm trường chính để học.
Xã Đắk R’Măng với mức thu nhập bình quân của mỗi người dân 70.000VND/tháng (tương đương ¥397)
Theo kết quả rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2021, xã Đắk R'Măng (nằm trong huyện Đắk Glong) có tổng cộng 1137 hộ nghèo và 187 hộ cận nghèo, chiếm 64,38% và 10,59% tổng số hộ dân ở đây.
Thu nhập bình quân của người dân tại xã Đắk R'Măng dưới 70 000VND/tháng (tương đương ¥397). Trong khi đó, theo thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư 2021 của Tổng cục thống kê Việt Nam, mức thu nhập trung bình của một người Việt Nam trên một tháng trong năm 2021 rơi vào khoảng 4 205 000VND/ tháng (tương đương ¥24 971).
※ Mức quy đổi ngoại tệ trên được lấy vào ngày 21/11/2022
Sự hình thành của làng 8 Không và những đứa trẻ được sinh ra giữa núi rừng nghèo khó
Hầu hết người dân tại làng 8 Không là người dân tộc Mông sống rải rác trong rừng, sau đó được chính quyền địa phương gom về thôn Đắk Nang, xã Đắk Song, huyện Đắk Nông để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do sinh kế khó khăn, những hộ dân này tiếp tục tự di cư sang xã Đăk R'Măng, lén lút lấn rừng, trồng trọt rồi dần tự hình thành những cụm dân cư tại đây.
Những đứa trẻ cứ thế được sinh ra tại những nơi sâu trong núi rừng, không điện, không nước, không có cả giấy khai sinh. Chỉ khi thực sự những người dân muốn cho con tới trường thì khi đó những đứa trẻ mới được làm giấy khai sinh.
Môi trường học tập của 104 đứa trẻ tại điểm trường tiểu học Cụm 8
Điểm trường Cụm 8 được công ty Hyundai xây dựng vào năm 2019. Mục đích của công trình để giảng dạy cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 2 trong làng 8 không (khoảng 104 em), vì còn nhỏ không thể băng rừng, núi để đến điểm trường chính (dành cho lớp 3, 4, 5). Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ có 5 phòng học với vật tư nghèo nàn, không có nhà vệ sinh, nhà nội trú cho giáo viên và học sinh, thư viện, điện,...
Hiện điểm trường cụm 8 (ảnh) được sử dụng để giảng dạy cho học sinh lớp 1 và lớp 2: gần 104 em (Khi lên lớp 3,4,5 các em sẽ học tại điểm trường tiểu học chính La Văn Cầu).
Sau giờ học, có khoảng 7 học sinh ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, vì nhà các em cách trường học rất xa, nên bố mẹ các em cùng dựng tạm một ngôi nhà nhỏ giản đơn cho các em ở lại. Ngày ngày, các em lấy nước ở sông suối tự nấu ăn, bữa ăn chỉ có cơm, rau và muối. Nghe những câu chuyện và nhìn những tấm ảnh các em miệt mài, ham học, chúng tôi không khỏi xót xa. Không điện, không nước, bữa ăn không thịt nhưng ý chí học tập của các em vẫn cháy bỏng.
Tại sao các em cần một thư viện?
1. Khát khao đọc sách nhưng không có sách:
Theo nhà trường, ngoài sách giáo khoa, các em rất hiếm hoặc có bé hầu như chưa từng được cầm trên tay cuốn truyện. Tại Việt Nam, hầu hết tại vùng đồng bằng và thành thị sẽ có thư viện ở mọi nơi, tuy nhiên, ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa thì hầu như không có sự tồn tại của thư viện công cộng, và thậm chí là không thể tìm thấy được hiệu sách.
Cũng chính vì không có sách, nên trẻ em trong làng lại có khao khát đọc mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Một cô giáo tại trường chia sẻ, có lần một đoàn từ thiện lên thăm, mang theo rất nhiều truyện dân gian Việt Nam cho các em. Vừa thấy thùng sách được đặt xuống, tất cả các em ùa tới, sự thích thú hiện rõ trên gương mặt hớn hở và nụ cười của các em. Mãi một hồi sau mới ổn định được các em và phân chia cho mỗi em một cuốn. Em này đọc xong lại truyền tay cho em khác đọc. Nhìn các em xếp hàng để lấy sách, chọn sách và tranh thủ đọc ngấu nghiến mà chúng tôi thấy thương vô cùng. Lúc đoàn từ thiện về, các em níu tay một chị trong đoàn lại và bảo “Lần tới chị mang truyện lên cho tụi em tiếp có được không ạ?”. Ai nấy đều xúc động, vừa xót xa khi những cuốn sách tưởng chừng không có gì là xa lạ với trẻ em dưới xuôi, lại là một thứ gì đó mới mẻ, quý hiếm đối với các em nhỏ ở tại trường cụm 8.
Thầy hiệu trưởng của nhà trường cho biết thêm, hiện các bé có rất thời gian rảnh rỗi nhưng chưa có hình thức giải trí phù hợp. Sau giờ học hoặc ngày cuối tuần, các em thường lê đôi chân trần không dép, tự rong chơi trên nền đất, hoặc theo chân bố mẹ lên nương làm rẫy. Thầy có tâm sự rất muốn các em tự học, tự tìm hiểu thêm nhiều kiến thức khác ở nhà, nhưng ở đây làm gì có thư viện hay hiệu sách để làm được điều đó. Nhà trường rất muốn bổ sung thư viện và sách cho các em, nhưng lại không có kinh phí để thực hiện.
2. Hiện tại điểm trường không có khu vực bảo quản và lưu trữ sách:
Các thầy cô tại điểm trường khá lo lắng vì nhiều lúc rất muốn mua sách lên tặng các em nhưng không có chỗ cất trữ và bảo quản để các em thay phiên nhau đọc.Nếu mua tặng mỗi em một cuốn thì kinh phí quá hạn hẹp và quan trọng là không thể giúp các em tiếp cận được với nhiều thể loại sách và tri thức khác nhau.
3. Khả năng đọc hiểu còn khá chậm:
Thầy hiệu trưởng của trường cho biết cũng chính vì không có đa dạng thể loại sách để đọc và luyện tập thêm sau giờ học, nên khả năng học tập và đọc hiểu tiếng Việt của nhiều em còn khá chậm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong tương lai của các em.
Do đó, chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chung tay hỗ trợ, dù chỉ 1 viên gạch, 1 tấm gỗ để mang đến cho các em nhỏ khát học có thể nói được tiếng Việt, được tiếp xúc với nhiều đầu sách, mở rộng tầm nhìn, dám ước mơ và tự lực vươn lên tìm cho mình một tương lai tươi sáng hơn.
Với sự ủng hộ từ mọi người, chúng ta có thể làm được gì?
Dự án này là một dự án gọi vốn cộng đồng chung với Play Learn and Grow (PL&G) ※, một tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm trong các hoạt động từ thiện tại Việt Nam.
Số tiền thu được từ dự án này sẽ được gửi toàn bộ về cho PL&G. PL&G sẽ trực tiếp mua vật liệu, tìm đơn vị thi công uy tín, và trực tiếp giám sát cho đến khi công trình được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.
※Tìm hiểu thêm về PL&G tại cuối bài viết này
Mô tả về thư viện:
Đối tượng hưởng lợi:
・Đối tượng chính: 104 em học sinh lớp 1 và lớp 2 tại điểm trường Cụm 8
・Ngoài ra, tất cả người dân trong làng đều có thể đăng ký với nhà trường để vào thư viện đọc sách
Khu vực xây dựng và không gian qua bản thiết kế 3D:・Đặt ngay trong khuôn viên trường tiểu học Cụm 8.
・Tổng diện tích thư viện: 64m2 (bên trong chiếm 33m2, phần mái hiên chiếm 31m2). Thư viện có sức chứa khoảng 50 - 60 bé hoặc 35 - 40 người lớn (tính cả khu vực bên trong và khu vực mái hiên)
・Dự kiến đặt thêm các hàng ghế ở khu vực mái hiên để các bé có thể ngồi đọc sách giữa thiên nhiên
・Thiết kế tạo không gian mở, nhiều màu sắc kích thích sự tò mò của các bé
・Số lượng sách dự tính: khoảng 300-400 cuốn sách (tuỳ vào độ mỏng dày của sách)
Vật liệu sử dụng:Dự định về số sách bố trí tại thư viện:
PL&G sẽ chịu trách nhiệm vận động quyên góp sách cho các em tại Việt Nam trong thời gian đầu, dự định sẽ kêu gọi khoảng 300 quyển sách, báo chí, tạp chí với nhiều thể loại khác nhau.
※ Không chỉ cho các bé học sinh tiểu học ở trường đọc, mà còn cho bà con, và thanh thiếu niên trong làng cùng đọc.
Định hướng quản lý và duy trì thư viện:
Thư viện được sử dụng với mục đích chính: lưu giữ và bảo quản sách được quyên tặng.
PL&G đã trao đổi và thống nhất với phía nhà trường, nhà trường sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, quản lý và duy trì để phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện.
Các thầy cô đã cam kết sẽ hướng dẫn và động viên để học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách để tăng khả năng đọc, mở rộng sự hiểu biết và trí tò mò về thế giới xung quanh.
Nhà trường sẽ phối hợp cùng địa phương để có thể sử dụng thư viện vào những mục đích chính đáng như nơi sinh hoạt, củng cố văn hoá, giao lưu của bà con dân tộc, tổ chức các lễ hội, các buổi học phổ cập kiến thức như kế hoạch hoá gia đình, pháp luật,…nâng cao dân trí. Hiện tại các hộ dân sống tách biệt, hiếm giao lưu với nhau, vì trong làng chưa có không gian sinh hoạt chung.
※ Báo cáo về tính hiệu quả của thư viện sẽ được cập nhật trên Campfire sau 3 tháng kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động
Chúng tôi kỳ vọng đây không chỉ là nơi chắp cánh tri thức cho các em nhỏ mà còn là nơi nâng cao, bồi bổ kiến thức cho người dân để có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Cấp phép xây dựng và sở hữu đất đai:
Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ thầy hiệu trưởng của nhà trường cho dự án xây dựng thư viện này. Thầy đã cùng chúng tôi trình đơn lên các cơ quan ban ngành có liên quan để xin cấp phép xây dựng. Hiện nay, dự án đã được cấp phép và phê duyệt bởi Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và sở Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi có thể triển khai thi công ngay sau khi kêu gọi đủ số tiền cần thiết.
Cách sử dụng tiền và kế hoạch thực hiện:
Bảng tính toán chi phí xây dựng:
※ Bản dự toán và sử dụng kinh phí này được ước tính theo vật giá trong tháng 11 năm 2022, do đó có thể thay đổi tuỳ thuộc vào biến đổi của giá cả trên thị trường
※ Mức quy đổi ngoại tệ trên được lấy vào ngày 21/11/2022
Cụ thể việc sử dụng số tiền mục tiêu (124 689 000VND, ¥708 460)
※ Mọi thông tin chi tiết về việc chi tiêu, chúng tôi sẽ tổng kết chi tiết và báo cáo tại Campfire sau khi đã hoàn thành việc sử dụng số tiền này.
※ Trong trường hợp không kêu gọi đủ số tiền cần thiết để thực hiện dự án tại Campfire, chúng tôi vẫn sẽ tiến hành kêu gọi thêm ở những nơi khác. Chúng tôi nhất định sẽ thực hiện dự án xây dựng thư viện này cho các bé tại làng 8 Không.
※ Trong trường hợp, chúng tôi kêu gọi được trên mức đã đề ra, phần dư chúng tôi sẽ dùng để mua thêm sách và đồ dùng học tập cần thiết cho các bé.
Kế hoạch thực hiện:
Quyền lợi ủng hộ
*Lưu ý: Về 2 loại quà tặng: Bưu thiếp 3D về phong cảnh Việt Nam và Túi Tote:
Đối với những bạn ủng hộ từ 30 000 yên trở lên, chúng tôi sẽ gửi tặng vật phẩm. Tuy nhiên, vì một số bất tiện về mặt vị trí địa lý, chúng tôi xin phép giới hạn việc gửi vật phẩm chỉ trong phạm vi nước Nhật. Với các bạn sống ở ngoài nước Nhật, sẽ không nhận được vật phẩm thay vào đó chúng tôi xin phép ghi tên bạn lên video cảm ơn cuối dự án.
Rất xin lỗi các bạn vì sự không chu đáo này từ phía chúng tôi và mong nhận được sự cảm thông từ các bạn. Mong bạn sẽ lan tỏa và ủng hộ dự án!
Giới thiệu về PL&G
Tổ chức vận hành của dự án này là tổ chức từ thiện Play Learn and Grow (PL&G), có liên kết với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Play Learn and Grow (PL&G) được thành lập năm 2008 và đã có 13 năm kinh nghiệm triển khai nhiều dự án cộng đồng về giáo dục, y tế và môi trường.
PL&G được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tin tưởng như Hội bảo vệ quyền trẻ em phía Nam, Tập đoàn BĐS Hưng Thịnh, Tập đoàn Phát Đạt, CTCP Kềm Nghĩa, MOL Nhật Bản, KFC, TH True Milk, CTCP Nước BOO, Navigos, v.v. PL&G cũng nhận được sự hỗ trợ từ Sony Việt Nam, LG Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông, LDSC và BASF (Mỹ), AEFA (Nhật Bản), Tập đoàn Fuldenberg (Đức)... và nhiều nhà tài trợ khác.
Vào ngày 16/10/2022, chúng tôi đã khởi công xây dựng một dự án nhằm bổ sung một số cơ sở vật chất thiết yếu cho điểm trường tiểu học Cụm 8 của làng 8 Không gồm: Nhà ở nội trú dành cho giáo viên, nhà ở nội trú dành cho các em học sinh, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, khu vực giặt giũ, hệ thống giếng nước sạch, máy phát điện.
Website: https://play-learn-grow.vn/
Thông tin liên hệ:
Phía Nhật Bản:
・Trần Thị Hồng Vân (cwwp.vantran@gmail.com)
・Tán Nguyên Ái Nhi(tannguyenainhi@gmail.com)
Phía Việt Nam:
・Người điều hành của PL&G: Bùi Nhật Lê Uyên(lephuonghauyen@gmail.com)
・Thầy hiệu trưởng của trường: Hà Hữu Phong(hahuuphong@gmail.com)
Lời kết
Trên các vùng miền núi tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều ngôi làng khó khăn, không điện nước, không sách với những phong tục tập quán lạc hậu, và còn rất nhiều trẻ em vì cái nghèo mà ngày ngày sống chung với nạn mù chữ và không dám ước mơ về một tương lai tươi sáng,....
Chúng tôi tuy không phải là những người dư dả về tài chính, nhưng khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của ngôi làng nói chung và cảm nhận được tinh thần ham học, cũng như khát khao được đọc sách của các em nhỏ tại làng 8 Không, chúng tôi không thể ngồi yên mà không làm gì. Nếu hiện tại chúng tôi thờ ơ với các em, thì phải chờ đến bao lâu nữa mới có một ai đó khác đến để giúp các em.
Hãy cùng hành động với chúng tôi, hãy cùng chung sức mang thư viện đến với ngôi làng này, để các em có một sân chơi thật lành mạnh, và giúp các em tiếp cận được với nhiều thông tin và tri thức nhất có thể. Chúng tôi tin rằng, tri thức sẽ giúp các em thực hiện hoá được ước mơ của bản thân và mở ra cho các em một tương lai tươi sáng hơn.
Để ngôi làng từ làng 8 Không sẽ trở thành ngôi làng có thật nhiều thứ đủ đầy, đặc biệt là tri thức, từ thật sâu trong trái tim chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của bạn!!
*********************************************
Tham khảo cách ủng hộ cho dự án: Link
*********************************************
[GIỚI THIỆU THÀNH VIÊN]